Thời gian qua, hàng loạt các tin đồn về an toàn vệ sinh thực phẩm như: Đỉa có trong bim bim, sữa, dưa vàng và rau cải thảo; dầu ăn, tương ớt giá rẻ; ngô luộc với pin; thuốc đông y có chứa nhiều chất độc hại; măng khô chứa lưu huỳnh; cá khô và thịt bò khô có chứa ecoli… Điều này khiến cho người tiêu dùng (NTD) hoang mang, lo lắng và không biết phải chọn loại thực phẩm nào mới đảm bảo an toàn.Sử dụng lưu huỳnh đúng cách không hề độc hại
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, lưu huỳnh có thể cho phép dùng để sấy trái cây nhưng phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nhất định. Hiện nay, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra những tiêu chuẩn về ngưỡng giới hạn cho phép dùng các loại hóa chất này và hướng dẫn chuyên môn cho người dân về quy trình sử dụng.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, cần phải bỏ quan niệm dùng hóa chất bảo quản nông sản là không tốt. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn sử dụng phổ biến hóa chất an toàn để bảo quản nông sản, giúp kéo dài thời gian bảo quản. Như Trung quốc cho phép 11 loại dược liệu được dùng lưu huỳnh để sấy với mức tối đa là 4ppm. Còn ở Mỹ, khi sản phẩm có sử dụng lưu huỳnh để bảo quản với mức từ 10ppm trở lên thì phải ghi rõ ràng, cụ thể trên bao bì.
Cho đến nay, nước ta vẫn chưa hề có quy định nào về giới hạn của lưu huỳnh, người dân vẫn bảo quản theo truyền thống nhưng khi đối chiếu theo quy định quốc tế thì các mẫu xét nghiệm tại Việt Nam vẫn chưa hề vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian tới Cục sẽ tiến hành xây dựng, hướng dẫn và đưa ra mức quy định sử dụng an toàn đối với lưu huỳnh. Cục cũng sẽ nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết về việc đáp ứng nhu cầu cần có thuốc bảo quản rau quả sau thu hoạch.
Trong đông y, lưu huỳnh (hay còn gọi là diêm sinh) được sử dụng trong việc bảo quản các vị thuốc. Trao đổi với PV báo PL&XH, bác sĩ Đông y Nguyễn Ngọc Phái khẳng định, về các loại thuốc đông y nếu không dùng diêm sinh thì không còn cách nào để bảo quản, chống mốc cho thuốc, việc này không chỉ bây giờ mới làm mà đã được các “bậc tiền bối” trong ngành đông y làm từ nhiều đời nay nhưng chưa thấy trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bởi vì, thứ nhất, diêm sinh rất dễ bị bay hơi khi ra ngoài không khí. Thứ hai, khi lấy thuốc ở kho ra đều phải đem phơi nắng, điều này cũng làm diêm sinh bốc hơi. Thứ ba, khi sử dụng, các vị thuốc này vào “toa” đều có sao tẩm cẩn thận. Quá trình sao tẩm, diêm sinh lại bị bay một lần nữa, nếu có còn thì tỷ lệ trong thuốc không đáng kể. Với tỷ lệ đó, không hề ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chúng ta được biết lưu huỳnh là một trong ba nguyên tố (lưu huỳnh, canxi và phốt pho) có trong cơ thể của mỗi con người.
Bản chất, trong thức ăn hàng ngày của chúng ta hiện nay cũng có khá nhiều lưu huỳnh, đặc biệt trong thịt, cá, trứng, hải sản, nấm, tỏi,… Đây là một nguyên tố khá an toàn với con người nếu sử dụng đúng cách. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thì nhu cầu của con người về acid amin có lưu huỳnh ước tính mỗi ngày khoảng 13mg/kg trọng lượng đối với nữ và 14mg/kg trọng lượng đối với nam.
Ngay cả trong các khu vực suối nước khoáng nóng cũng đều có chứa các tinh thể lưu huỳnh. Thời gian tắm của con người ở các nơi này cũng phụ thuộc vào lượng lưu huỳnh, nơi nào nhiều lưu huỳnh thường tắm ngắn hơn, để đảm bảo lượng lưu huỳnh vừa đủ cho nhu cầu chữa bệnh và có lợi cho sức khỏe.
Trên thế giới, người ta còn sử dụng phổ biến hợp chất của lưu huỳnh là sulphites làm phụ gia thực phẩm, nhằm giữ màu sắc và chống mốc với dư lượng cho phép từ vài trăm lên đến vài nghìn ppm.
Còn lỏng lẻo trong khâu quản lý
Trong hai tháng 9 và 10, các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT đã tập trung kiểm tra các mặt hàng cá, măng và thịt bò khô. Kết quả, thịt bò khô và cá đều nhiễm khuẩn ecoli, 100% măng khô có chứa chất bảo quản bằng lưu huỳnh. Lưu huỳnh còn được đưa vào bảo quản loại đũa tre dùng 1 lần ở các nhà hàng, quán ăn. Lưu huỳnh đang được sử dụng khá tràn lan trong việc bảo quản thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm khô. Cần phải có những quy định và hướng dẫn cụ thể về liều lượng lưu huỳnh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lưu huỳnh để bảo quản sản phẩm như đã nói ở trên và các chuyên gia y tế đã cảnh báo.
Cũng nên phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh, xem cơ sở nào có đủ điều kiện chuyên môn theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ y tế) trong việc sử dụng lưu huỳnh làm chất bảo quản mới được thực hiện, còn các cơ sở nhỏ lẻ không đủ điều kiện sẽ không được phép sử dụng. Hơn nữa, Nhà nước cũng nên quản lý chặt chẽ đối với việc mua bán lưu huỳnh. Cần thống nhất một vài đầu mối bán chính, tránh tình trạng mua bán tràn lan, không kiểm soát nổi.
Lỗ hổng trong quản lý các hóa chất hiện nay có quá nhiều. Các loại giấy phép được cấp tràn lan mà quản lý lại không đạt hiệu quả, dẫn đến nhiều vi phạm về chất lượng và mặt hàng kinh doanh của các doanh nghiệp. Trên thị trường hiện có đến hơn 50% bao bì, nhãn mác hàng hóa đủ loại hóa chất, phụ gia thực phẩm ghi nguồn gốc từ các nước châu Âu, Mỹ, Australia,… nhưng thực chất không phải. Việc này không chỉ vi phạm về quy định nhãn mác mà còn là nguy cơ để hàng gia, hàng nhái trà trộn, gây rối loạn thị trường, làm NTD bị thiệt hại. Hơn nữa, khâu bán lẻ tại các chợ nhỏ hiện cũng đang ít bị chú ý, không có sự quản lý, kiểm tra và kiểm soát gắt gao, nên người ta có thể thoải mái bán mua và sử dụng các hóa chất độc hại mà không ai biết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và tập trung trọng điểm vào các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm và hoa quả khô. Những mặt hàng này thường được bày bán và tiêu thụ mạnh vào những dịp cuối năm. Tháng 11 tới, Bộ sẽ tập trung vào các mặt hàng rau quả ăn sống, mực khô và mật ong.
nguồn báo PHÁP LUẬT VÀ XÃ HỘI