“Y học dịu dàng” chinh phục phương Tây
“Y học dịu dàng” – theo cách gọi của người Pháp là những phương pháp chữa bệnh không chính thống như dùng thôi miên, châm cứu, tác dụng vào các huyệt đạo ở tai, mắt hay bàn chân… Mặc dù đã có một lịch sử lâu đời ở các nước phương Đông nhưng kiểu chữa bệnh không dùng thuốc men hay dao kéo này từng bị coi nhẹ ở phương Tây. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, “y học dịu dàng” đã xâm nhập vào các nước có nền y học hiện đại nhất và chinh phục được cả những người bảo thủ, khó tính nhất.
Cuộc chiến mới trong y học
Đã có một thời gian rất dài, khi ở nhiều nước phương Đông, việc dùng các loại thảo dược hay phương pháp châm cứu, bấm huyệt, massage… để chữa bệnh là chuyện bình thường thì ở phương Tây, các cách chữa bệnh này không thể nào có nổi một chỗ đứng, thậm chí còn bị coi là vô căn cứ khoa học, là cách của người ở những nước kém phát triển mới áp dụng. Nhưng gần đây, mọi thứ đã thay đổi. Người ta nhận thấy, số bệnh nhân ở các nước phát triển tìm đến y học không chính thống đang ngày càng gia tăng.
Theo một cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ sức khỏe Pháp, thì có tới gần chục triệu người Pháp đã tìm đến các “thầy lang vườn” chưa từng được Bộ y tế nước này công nhận. Hàng năm, Pháp có khoảng 7 triệu ca châm cứu không chính thức (những ca chính thức diễn ra ở các bệnh viện có khoa Đông y). Ở Anh, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Ý, con số này có ít hơn nhưng vẫn tăng đều hàng năm. Điều đó chứng tỏ Đông y đang dần chiếm ưu thế trong niềm tin của dân chúng. Nhiều bệnh nhân cho biết: Với y học chính thống chúng tôi phải đợi kết quả trị liệu và phải đối mặt với các tác dụng phụ mà đủ loại máy móc và thuốc men gây ra”. Một số khác thì tỏ ra thích thú với những quan niệm nghe có vẻ hết sức lạ lùng trong y lý phương Đông, chẳng hạn: nếu cái đầu không yên ổn sẽ gây loét dạ dày và bệnh viêm gan hay chỉ cần châm cứu một huyệt đạo ở lưng là có thể chữa khỏi bệnh về mắt…
Đông y đang đi về phương Tây
Những năm 50 của thế kỷ XX, khi y học hiện đại đã đặt chân lên đỉnh cao của văn minh nhân loại, giới khoa học tiến bộ phương Tây từng đặt câu hỏi “rồi Đông y sẽ đi về đâu?” một cách đầy ngờ vực. Nhưng đến nay chúng ta có thể trả lời rằng: “Y học phương Đông đang đi về phía Tây”. Từ nửa sau của thế kỷ XX đến nay, y học phương Đông và các y thuật, y lý của nó đã xâm nhập phương Tây, dần dần bộc lộ sức mạnh tiềm tàng.
Còn nhớ, đó là vào năm 1982, khi nhĩ liệu pháp (phương pháp châm cứu ở tai) xuất hiện lần đầu tiên ở Pháp, báo chí y học Pháp bấy giờ đã làm ầm lên rằng “các lang vườn đang lấn chỗ của chúng ta”. Sự thật đúng là như vậy, phương pháp chữa bệnh ôn hòa này đã thuyết phục nhiều người vì khả năng kỳ diệu của nó: một ca liệt chi trên được chữa bằng phương pháp này, chỉ sau 3 lần châm ở tai, mỗi lần với 2 cây kim truyền điện là bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn. Sự thật đó gây chấn động làng y khoa châu Âu và khiến cho nhiều chuyên gia y học chính thống phải có con mắt khác khi nhìn nhận những cách chữa trị không chính thống mà y lý Đông y đang truyền bá cho dù nó có “thoát ra khỏi quy tắc logic của y học chính thống”.
Tiếp sau đó là việc các kinh sách của phương Đông bắt đầu được các nhà thông thái phương Tây để ý đến. Nhiều bác sĩ và chuyên gia y học Tây phương đã phải kinh ngạc khi đi sâu tìm hiểu kho báu kiến thức khổng lồ của Đông y. Họ cũng phải thán phục trước những ca bệnh mà Tây y bó tay còn Đông y lại chữa khỏi. Nhà khoa học Đức, giáo sư Boacter tại Đại học Munich khẳng định: Hệ thống tạng tượng của Đông y là một mô hình phức tạp bao gồm nhiều chức năng liên quan, tác động qua lại với nhau, vận động theo nhưng quy luật có tính tuần hoàn.
Rồi đến việc xuất hiện ngày càng nhiều các bệnh viện ở châu Âu có khoa Đông y và việc các dược liệu, vị thuốc phương Đông được nhập khẩu ngày càng lớn vào thị trường các nước phương Tây. Các hội châm cứu, bệnh viện Đông y, phòng chẩn trị Đông y được xây dựng và hoạt động ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Đức và Pháp – hai nước nổi tiếng có nền Tây y mạnh hiện nay cũng là hai nước dùng cây cỏ làm dược liệu chữa bệnh nhiều nhất thế giới. Hiện nay, một số liệu pháp của y học dịu dàng đang được các nước phương Tây ưa chuộng như: Y học cổ truyền Ấn Độ và Tây Tạng rất được coi trọng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha. Thôi miên đã và đang chinh phục nhiều người bệnh ở Đức, Áo, Ý hay Pháp và Bỉ, nhất là những ai mắc chứng mất ngủ, rối loạn tâm thần hay các chứng sợ (sợ độ cao, sợ đám đông…). Ở Bỉ, thuật thôi miên xuất hiện trong nhiều bệnh viện. Các bác sĩ phẫu thuật ở Bỉ thường công khai phối hợp với nhà thôi miên trong các ca mổ, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ. Thạch liệu pháp (phương pháp chữa bệnh bằng cách đặt những hòn đá nóng hoặc lạnh lên một số huyệt đạo) được Thổ Nhĩ Kỳ và Mê-xi-cô áp dụng phổ biến. Khứu liệu pháp là phương pháp trị bệnh qua đường mũi, được cho là có xuất xứ từ Băng-la-đét, hiện nó đang có mặt ở Đức, Đan Mạch, Dim-ba-bu-ê, Kê-ni-a và được dùng để chữa khá nhiều bệnh về cơ và thần kinh. Não liệu pháp: không rõ xuất xứ, đang được chú trọng ở các nước tiên tiến của phương Tây, nó được sử dụng như một vũ khí chống lại tuổi già, bệnh hói đầu và các bệnh về tuyến tiền liệt…
Sự thật là hiệu quả trị liệu và cả chi phí điều trị của Đông y đã được đông đảo bệnh nhân tại các nước phương Tây thừa nhận.
Tác giả: Trung Kiên (Theo Sante Magazine)
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 74 ngày 9/5/2010
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 74 ngày 9/5/2010